Tìm hiểu kỹ thuật bón phân cho tiêu hiệu quả nhất
Nội dung
Mời bà con cùng tham khảo kỹ thuật bón phân cho tiêu mang lại hiệu quả nhất, đây là một bước quan trọng trong quy trình trồng tiêu giúp năng suất cao ổn định, cây sinh trưởng khỏe mạnh bền vững, bón phân cho tiêu đúng cách không những giúp tăng năng suất mà còn giúp cây có bộ rễ khỏe mạnh, chống chịu bệnh tật tốt hơn đặc biệt là các bệnh chết nhanh chết chậm, bệnh tiêu điên…

Như thế nào là bón phân cho tiêu đúng cách?
Như bà con đã biết, cây tiêu là cây mang lại giá trị kinh tế cao,hiện nay có nhiều giống tiêu năng suất rất cao như Vĩnh Linh, Sri Lanka… có thể lên đến 7-15kg/trụ. Tuy nhiên ngoài yếu tố thuận lợi về giống, thì việc trồng tiêu cũng rất khó khăn và mang nhiều rủi ro, chủ yếu các vườn tiêu bị dịch bệnh là do chăm sóc không đúng kỹ thuật, ép năng suất quá mức… Trong đó khâu bón phân thường bị xem nhẹ, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái trong đất, đất trở nên chai, yếm khí làm phát sinh các loại nấm bệnh, lây lan và phá hủy vườn tiêu
Nhìn chung bón phân cho tiêu đúng cách phải đáp ứng các yêu cầu sau
- Bón cân đối giữa phân vô cơ và phân hữu cơ
- Bón đúng kỹ thuật giúp tiêu hấp thu phân hiệu quả nhất, tránh lãng phí
- Bón đúng thời điểm tùy theo giai đoạn sinh trưởng mà chọn loại phân phù hợp
Để bà con tiện theo dõi, chúng tôi chia kỹ thuật bón phân cho tiêu thành 3 phần. Cụ thể như sau
I – Kỹ thuật bón phân vô cơ (phân hóa học) cho tiêu
Liều lượng phân vô cơ cho mỗi hecta tiêu
Bà con có thể sử dụng phân đơn hoặc phân tổng hợp NPK. Lượng bón được đề xuất theo bảng sau. Có thể thay phân 16-16-8 bằng phân 20-20-10.
Bảng trên là lượng phân bón cho mỗi hecta tiêu, bà con dựa vào mật độ trồng tiêu cụ thể để tính lượng phân cho mỗi trụ. Chẳng hạn vườn tiêu năm thứ 4, mật độ trồng là 2000 trụ/hecta. Thì lượng phân cho mỗi trụ sẽ khoảng 1,25kg/trụ (2500kg chia cho 2000 trụ). Riêng phân lân nên trộn và bón chung với phân chuồng/phân hữu cơ. Sẽ được trình bày ở phần sau
Thời điểm bón phân vô cơ cho tiêu
- Năm 1 đến năm 3 là giai đoạn kiến thiết: Cần chia nhỏ lượng phân bón thành nhiều lần, tác dụng là để thúc cây nhanh phát triển rễ, thân, cành… Mỗi năm 4-6 lần. 1-2 lần vào mùa khô, còn lại bón rải đều trong mùa mưa
- Năm thứ 4 trở đi là giai đoạn kinh doanh: Chia thành 4 lần bón, 1 lần mùa khô và 3 lần trong mùa mưa.
Cách bón phân vô cơ cho tiêu
- Khi bón cần tiến hành xới xáo mặt đất cho đất mặt tơi lên, tránh xới quá sâu làm tổn thương rễ
- Bón xong cần lấp phân lại để tránh thất thoát
- Bón xung quanh tán lá, cách gốc tiêu ít nhất 30-40cm
- Nếu đất không đủ ẩm có thể tưới nhẹ cho phân tan
- Mùa khô có thể sử dụng phân nước hoặc bón phân kết hợp trong những đợt tưới nước

II – Kỹ thuật bón phân chuồng (phân hữu cơ) cho tiêu
Tầm quan trọng của phân hữu cơ khi trồng tiêu
Trồng tiêu không thể thiếu phân chuồng, có thể sử dụng phân heo, phân bò, phân gà, trấu cà phê ủ cho hoai mục (6-8 tháng). Khi ủ nên bổ sung thêm chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma. Việc sử dụng phân chuồng đặc biệt quan trọng, giúp cho vi sinh trong đất phát triển mạnh, đất tơi xốp hơn.
Một số bà con vì chạy theo năng suất nên sử dụng thuần phân hóa học, những năm đầu cây sinh trưởng mạnh, năng suất cao nhưng càng về sau càng đuối sức, giảm năng suất, vườn tiêu bị nấm bệnh lây lan tấn công và phá hủy
Nguyên nhân là khi bón thuần phân hóa học, làm cho đất trở nên chai cứng, các vi sinh vật hữu ích không đủ điều kiện phát triển, trong khi các vi sinh vật, vi khuẩn yếm khí lại có môi trường thuận lợi để phát triển. Bón phân hóa học quá nhiều còn làm cho đất nhanh chóng bị acid hóa, pH của đất giảm mạnh, rễ tiêu không thể phát triển cũng như hấp thu được các chất dinh dưỡng.
Một số loại đất lẫn sỏi, đất thịt pha, sau thời dài bón phân hóa học sẽ hình thành nên lớp sét ở dưới cùng, cản trở rễ phát triển, gây đọng nước, ngập úng…
Liều lượng phân hữu cơ bón cho tiêu
- Mỗi năm bà con nên sử dụng 25-30kg phân chuồng bón cho mỗi trụ tiêu
Cách bón phân hữu cơ cho tiêu
- Đào rãnh sâu 20-25cm cách tán lá 15-20cm để hạn chế làm tổn thương rễ tiêu.
- Rãnh được đào đối xứng 2 bên trụ tiêu. Mỗi năm đào rãnh ở vị trí khác nhau.
- Rãnh có thể rộng từ 20-25cm tùy theo lượng phân
- Bón vào rãnh sau đó lấp đất lên bên trên, tưới nước để phân nhanh phân hủy
- Có thể trộn đều phân hữu cơ với phân lân (liều lượng tham khảo ở phần I) + Bột nấm đối kháng Trichoderma + Thuốc trị tuyến trùng, ve sầu, rệp sáp rễ
- Bón trong mùa mưa, cách đợt bón phân vô cơ (phân hóa học) ít nhất 30-45 ngày.
III – Kỹ thuật bón phân bón lá và bón vôi cho tiêu
- Phân bón lá: Mỗi năm phun 1-2 lần, dùng phân chứa trung vi lượng và phân kích thích sinh trưởng (cành, lá, rể có nguồn gốc từ rong tảo biển). Giai đoạn cây nuôi quả cần phun thêm Bo và Zn giúp tăng tỷ lệ đậu trái, tăng chất lượng trái, hạt to đều, ít bị bồ cào-răng cưa, ít lép hạt
- Bón vôi cho tiêu: Mục đích của việc bón vôi là khử chua, tạo độ pH thích hợp cho tiêu. Do đó, mỗi năm tiến hành đo pH của đất 3-4 lần, bón vôi để điều chỉnh độ pH của đất về mức 5.5 – 7.0. Thường với đất trung tính, mỗi năm bón khoảng 500kg/hecta. Khi bón chọn thời điểm đất đủ ẩm, rải đều vôi trên mặt đất đê vôi tự phân hủy và thấm dần vào đất
Như vậy, qua bài viết này bà con đã nắm được kỹ thuật bón phân cho tiêu đúng cách, quan trọng nhất đối với tiêu là luôn phải sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ. Giúp cho đất tơi xốp, vi sinh vật có ích phát triển mạnh, ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn, vi sinh vật có hại. Tương tự như trồng cà phê, một số giống tiêu năng suất cao như: Tiêu vĩnh linh, tiêu trâu, tiêu SriLanka… lượng phân có thể tăng thêm tùy theo năng suất của năm trước để đảm bảo về năng suất, tránh làm cây bị kiệt sức do nuôi quả quá nhiều. Lượng phân tăng thêm giữ ở mức 10-20%.
Chúc bà con thành công, nếu bài viết có gì sai sót hoặc bà con có kinh nghiệm trồng tiêu hay hơn muốn chia sẻ, vui lòng dùng chức năng bình luận bên dưới để đóng góp. Xin cảm ơn
Đánh giá mức độ quan trọng từng loại phân
- Phân chuồng (phân hữu cơ)
- Phân bón lá
- Phân hóa học (phân vô cơ)