VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 280 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Tìm hiểu các loại trụ trồng tiêu – Ưu điểm của mỗi loại trụ tiêu

Hình ảnh trụ tiêu sống (trồng trên cây núc nác rừng)
0

Trụ trồng tiêu hay còn gọi là trụ tiêu (một số nơi gọi là choái hoặc nọc tiêu) có rất nhiều loại, có thể là trụ sống, trụ chết, trụ tạm… Bài viết này Viện Eakmat.Net sẽ cùng bà con tìm hiểu về các loại trụ tiêu ưu và nhược điểm của mỗi loại trụ. Mời bà con cùng tham khảo

Hình ảnh trụ tiêu sống (trồng trên cây núc nác rừng)
Hình ảnh trụ tiêu sống (trồng trên cây núc nác rừng)

Trụ tiêu là gì?

Trụ tiêu là nơi để cây tiêu leo bám, sinh trưởng và phát triển. Trong môi trường tự nhiên tiêu có thể bám lên bất cứ thứ gì mà chúng tìm được, có thể là khúc cây, tảng đá, vách núi… Tuy nhiên khi trồng tiêu kinh doanh người ta thường sử dụng trụ tiêu được thiết kế thẳng đứng, cao vừa phải, giúp tối ưu không gian sinh trưởng, tiện cho việc thu hoạch.

Ngoài ra yêu cầu chung của trụ tiêu là phải bền, đáp ứng được suốt thời gian tiêu sống (tương ứng với tuổi tho tiêu là 20-30 năm).

Có những loại trụ tiêu nào?

Ta có thể chia trụ tiêu ra làm 2 loại, trụ tiêu sống và trụ tiêu chết. Cụ thể như sau

  • Trụ sống (trụ tiêu sống): Thường là các loại cây lâm nghiệp, thân thẳng, rễ ăn sâu vững chắc, ít cạnh tranh dinh dưỡng với tiêu, vỏ nhám để tiêu có thể đeo bám được, tuổi thọ cây ít nhất bằng tuổi thọ tiêu hoặc hơn
  • Trụ chết (cọc gỗ, trụ bê tông, trụ gạch): Là các loại trụ kích thước cố định, được thiết kế vững chắc bằng vật liệu gỗ, bê tông, gạch

Ưu điểm và nhược điểm của từng loại trụ tiêu

1 – Trụ tiêu sống (trụ cây sống)

Nghĩa là dùng các loại cây sống (thường là cây lâm nghiệp) có gỗ chắc, thân thẳng, bộ rễ ăn sâu, ít cạnh tranh dinh dưỡng với tiêu, vỏ nhám để tiêu có thể đeo bám được.

Yêu cầu chung của trụ tiêu sống

  • Thân thẳng đứng, càng thẳng càng tốt vì sẽ tối ưu được không gian sinh trưởng của tiêu cũng như cây sử dụng làm trụ
  • Vỏ nhám, sần sùi nhưng không thay vỏ thường xuyên (chẳng hạn cây bạch đàn hay thay vỏ, thì không dùng được)
  • Rễ cọc ăn sâu, tránh cạnh tranh dinh dưỡng phân bón với tiêu, đồng thời giúp cây vững chắc trước gió bão, hạn chế đổ trụ, gãy thân
  • Cành ngang ít, dễ cưa đốn, tán lá vừa phải, không che phủ quá nhiều
  • Ít sâu bệnh, và không phải cây ký chủ chung cho một số bệnh của tiêu

Ưu điểm của trụ sống

  • Cây tiêu sinh trưởng khỏe mạnh hơn do được che bóng, tạo bóng râm tự nhiên như môi trường sống tự nhiên của cây tiêu
  • Tuổi thọ cao, đáp ứng không gian sinh sống cho tiêu trong suốt vòng đời của tiêu
  • Sẵn có, dễ tìm, dễ mua, chi phí đầu tư ban đầu thấp
  • Một số cây có họ đậu nên cải thiện đạm trong đất, lá cây phân hủy tạo thêm dinh dưỡng cho cây
  • Phần vỏ nhám, gồ ghề giúp tiêu đeo bám tốt hơn, đồng thời giữ ẩm cho tiêu trong mùa khô hạn

Nhược điểm của trụ sống

  • Thời gian kiến thiết lâu (1-2 năm sau khi trồng trụ mới thả tiêu được)
  • Mật độ trồng thưa
  • Cạnh tranh phần nào dinh dưỡng của cây tiêu
  • Việc rong tỉa cành, hãm ngọn hàng năm làm tốn thêm nhân công chăm sóc

2 – Trụ tiêu bằng cọc gỗ

Là trụ tiêu sử dụng thân cây đã gỗ hóa, cưa bỏ gốc và ngọn, chôn đủ sâu sau đó thả tiêu leo lên phần nổi trên mặt đất

Yêu cầu chung: Phải sử dụng loại gỗ có độ bền cao, chịu được mối mọt, phong hóa. Chiều cao tối thiểu 3 đến 5m, đường kính thân từ 10-20cm. Trụ thẳng đứng không phân cành.

Ưu điểm của trụ tiêu cọc gỗ

  • Tiêu không bị cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng
  • Có thể trồng tiêu với mật độ dày hơn so với cây trụ sống. Giúp tăng năng suất so với cùng một diện tích sử dụng cây trụ sống
  • Không tốn nhân công cắt tỉa, rong cành hàng năm
  • Có thể trồng tiêu ngay sau khi chôn cọc

Nhược điểm của trụ tiêu cọc gỗ

  • Chi phí đầu tư ban đầu rất cao
  • Thời gian tồn tại của trụ không đủ đáp ứng vòng đời của tiêu
  • Việc thay thế trụ khi gãy đổ, mục nát gặp khó khăn
  • Làm gia tăng nguy cơ phá rừng để phục vụ cho việc lấy gỗ làm trụ tiêu

3 – Trụ tiêu bằng cọc bê tông

Dùng cọc đúc bằng bê tông để thả tiêu, cọc có thể thiết kế hình vuông, hình tròn, hình bát giác… Có khoặc không có cốt thép bên trong, thường có kích thước và hình dáng như cọc rào (cọc hàng rào để căng lưới B40) nhưng cao hơn

Yêu cầu chung của trụ tiêu cọc bê tông

  • Đường kính từ 15-20cm, cao từ 3m – 5m
  • Cần gia cố thêm thép bên trong để tăng độ bền cho trụ
  • Thiết kế hình vuông, hình tròn, lục giác, bát giác
  • Có thể rỗng ruột hoặc không

Ưu điểm của trụ tiêu cọc bê tông

  • Tương tự như cọc làm bằng cây gỗ nhưng có thể thiết kế cao thấp tùy theo khả năng chăm sóc
  • Có tuổi thọ “vĩnh viễn”
  • Vật liệu đúc trụ dễ tìm, dễ mua

Nhược điểm trụ tiêu cọc bê tông

  • Chi phí đầu tư cao
  • Trụ càng cao thì càng nặng, nhân công cho việc thả trụ, đúc trụ tốn kém
  • Phần đỉnh trụ không có tán che nên phải thiết kế thêm phần lưới che bên trên, rất tốn kém
  • Phần thân trụ không thấm nước, mùa nắng nóng sẽ tăng nhiệt độ, không tốt cho tiêu đeo bám
  • Tiêu trồng trên trụ bê tông thường tuổi thọ không cao

4 – Trụ tiêu xây bằng gạch

Có thể xây vuông hoặc tròn (hình chóp, nhỏ dần về phía đỉnh). Để gạch thô không tô trét, bên trong có khoảng trống và các lỗ thông hơi trên vách trụ, có thể sử dụng gạch táp-lô hoặc gạch ống tùy theo điều kiện. Thường các giống tiêu có độ phủ tán cao, cành lá xum xuê (vd: giống tiêu vĩnh linh, giống tiêu sri lanka…) nên chọn loại trụ tiêu này

Yêu cầu chung của trụ tiêu bằng gạch

  • Hình trụ tròn hoặc vuông
  • Chiều cao trụ tối thiểu 1,8m
  • Đường kính đáy 1-1,5m nếu xây trụ tròn
  • Phần móng trụ sâu 0,5m
  • Phần bên trong có khoảng rỗng, có các lỗ thoát khí, thoát nước

Ưu điểm của trụ tiêu bằng gạch

  • Có thể triển khai trồng tiêu ngay sau khi xây xong trụ
  • Tuổi thọ trụ đủ lâu cho tiêu sinh trưởng
  • Hạn chế được nạn phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu
  • Chi phí thấp hơn đúc trụ bê tông hoặc mua cọc gỗ
  • Nguyên liệu xây trụ dễ tìm, dễ mua, thường có sẵn tại địa phương

Nhược điểm của trụ tiêu bằng gạch

  • Chi phí đầu tư cao
  • Việc xây trụ phải tiến hành ngay trong vườn, dẫn đến việc vận chuyển vật tư gặp khó khăn
  • Mùa nóng vẫn gặp tình trạng trụ hấp thụ nhiệt, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của tiêu

Dựng trụ tạm – phương án tối ưu cho trụ tiêu

Để dung hòa giữa các phương án dựng trụ tiêu, hiện nay một số bà con dùng phương pháp làm trụ tạm cho cây tiêu, trụ tạm có thể làm bằng gỗ, gốc cà phê, cọc bê tông (loại rẻ tiền) trồng bên cạnh cây trụ sống, thời gian 1-2 năm đầu tiêu sẽ leo trên trụ tạm, khi cây trụ sống đủ lớn sẽ tiến hành chuyển trụ (kết hợp với lúc đôn tiêu lươn hoặc hãm ngọn tiêu ác). Như vậy ta vẫn có thể triển khai trồng tiêu ngay, mà về lâu dài vẫn hưởng được lợi từ việc trồng tiêu trên trụ sống. Chúc bà con thành công!

Trường hợp bà con cần mua tiêu giống (tiêu ác và tiêu lươn) của các giống tiêu năng suất hiện nay: Tiêu vĩnh linh, tiêu trâu, tiêu phú quốc, tiêu sri lanka. Vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau

Vườn ươm cây giống CayGiongVN.Com – Tiến Đạt
280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Điện thoại tư vấn: 0967 333 855 (Viettel) – 0944 333 855 (Vina) – Gặp Thu
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Bình luận
Loading...