VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 280 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Quy trình kỹ thuật trồng tiêu cho năng suất cao

Tổng quan về kỹ thuật trồng tiêu năng suất cao
0

Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quy trình kỹ thuật trồng tiêu cho năng suất cao, chăm sóc tiêu bền vững và bớt rủi ro nhất. Mời bà con cùng tham khảo. Bài viết này dựa trên tài liệu trồng tiêu do Viện Eakmat cung cấp và được bổ sung dựa thêm kinh nghiệm của người viết, nếu có sai sót mong được góp ý.

Tổng quan về kỹ thuật trồng tiêu năng suất cao
Tổng quan về kỹ thuật trồng tiêu năng suất cao

Cây tiêu (hay hồ tiêu) là cây có giá trị kinh tế cao, những năm gần đây dù giá cả có phần biến động, nhưng nhìn chung sau khi trừ chi phí vẫn mang lại lợi nhuận cho người trồng. Hiện nay tiêu được trồng nhiều ở vùng Tây Nguyên, các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Phước. Và một số khu vực khác như Quảng Trị, Phú Quốc, Bà Rịa Vũng Tàu. Riêng vùng Đăk Lăk và Đăk Nông tiêu thường nổi trội về cả năng suất lẫn chất lượng. Giá tiêu khô thường dao động từ 80.000 – 200.000đ/kg.

Tuy nhiên, dù mang lại lợi nhuận cao nhưng trồng tiêu cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro, đặc điểm của tiêu rất dễ mắc bệnh, thường là các bệnh về rễ do nấm và vi khuẩn gây ra. Khi cây mắc bệnh, rất dễ lan rộng thành dịch, gây thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, để tránh rủi ro trong canh tác bà con nên nắm rõ và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng tiêu.

1 – Yêu cầu của đất trồng tiêu

  • Đất trồng tiêu yêu cầu phải màu mỡ, giàu dinh dưỡng, tầng canh tác từ 0.8 – 1m. Tơi xốp và không lẫn nhiều sỏi đá
  • Độ pH thích hợp thường trên mức trung bình từ 5,5 – 7.0. Dưới 4.0 cây thường còi cọc, mặc dù bón rất nhiều phân cũng khó cải thiện
  • Đất phải thoát nước tốt, không bị ngập úng. Trồng tiêu trên đất đốc vừa phải, cây sinh trưởng rất tốt nhưng cần chú ý công tác tưới tiêu trong mùa khô hạn.
  • Đối với đất chuyển đổi từ cây trồng khác như đất trồng cà phê, đất trồng bơ hay ca cao… cần phải tiến hành cày xới đất, loại bỏ cỏ rác, rễ cây, trồng 1-2 vụ màu trong mùa mưa, sau đó phơi đất trong ít nhất 1 mùa nắng để loại bỏ tuyến trùng, mầm bệnh. Ngoài ra cần bổ sung thêm vôi, phân hữu cơ để tăng độ màu mỡ.
  • Đất mới khai hoang cũng tiến hành tương tự, đặc biệt cần theo dõi độ pH phù hợp, bón vôi để điều chỉnh

2 – Lựa chọn trụ trồng tiêu

Trụ tiêu có 2 loại là trụ sống (các loại cây lâm nghiệp, thân thẳng, vỏ nhám) và trụ chết (trụ bê tông, trụ gạch, trụ gỗ). Tùy theo điều kiện mà chọn một trong 2 loại trụ trên, mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng. Chúng tôi sẽ phân tích ở một bài viết khác

Trồng tiêu trên trụ chết cần tiến hành che mát bằng lưới nilon trong 1-2 năm đầu, khi cây phủ trụ có thể giỡ bỏ. Ngoài ra cũng có thể sử dụng trụ tạm trồng bên cạnh trụ sống, sau khi trụ sống đủ lớn ta sẽ chuyển trụ. Ưu điểm là có thể trồng tiêu ngay mà không yêu cầu trụ phải có độ bền cao.

3 – Mật độ trồng tiêu

  • Đối với trụ bê tông, trụ gỗ: Trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5m. Tương đương 1.600 trụ/hecta
  • Đối với trụ sống: Trồng với khoảng cách 3 x 3m hoặc 3 x 2,5m. Tương đương 1.100 đến 1.400 trụ/hecta. Đối với một số cây thân thẳng, ít cành (núc nác rừng, dâu da xoan, gòn). Bà con có thể trồng tương đương với trụ chết
  • Mật độ tối đa không nên vượt quá 2.000 trụ/hecta

4 – Lựa chọn giống tiêu

Các giống tiêu thường được trồng bao gồm: Tiêu vĩnh linh, tiêu trâu, tiêu Sri Lanka. Một số khu vực có trồng thêm tiêu trâu malaysia, tiêu Ấn Độ, tiêu Lộc Ninh… Mỗi giống tiêu có ưu điểm riêng về năng suất và sinh trưởng. Do đó nếu có điều kiện bà con nên trồng 2-3 giống tiêu cùng một lúc, giúp giảm được nguy cơ mất mùa, sâu bệnh lây lan… ổn định thu nhập

Chi tiết về năng suất, đặc tính giống, giá bán cây giống bà con có thể tham khảo tại liên kết sau >>> Cung cấp giống tiêu, hoặc liên hệ 0967 333 855 (Viettel) – 0944 333 855 (Vina) – Gặp Thu để được tư vấn thêm

5 – Kỹ thuật trồng tiêu (xuống giống)

Đào hố trồng tiêu

  • Hố trồng tiêu có kích thước 60 x 60 x 60 cm đào một bên trụ, mỗi hố trồng 2 bầu tiêu con. Hoặc 40 x 40 x 40cm đào đối xứng 2 bên trụ, mỗi hố trồng 1 bầu tiêu con. Tâm hố cách trụ 25-30cm
  • Mỗi hố bà con dùng lớp đất mặt trộn với 20-25kg phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục là tốt nhất) + 0,3 – 0,5kg lân + khoảng 1 thìa canh bột nấm đối kháng Trichoderma. Ngoài ra có thể trộn thêm vôi bột nếu độ pH chưa đạt yêu cầu (từ 5.5 – 7.0)
  • Đối với trụ gỗ và trụ sống cần trộn thêm các loại thuốc sâu dạng bột, dạng viên như Basudin, Furadan… để chống mối mọt, và hạn chế dế, ấu trùng ve sầu…
  • Hố trồng tiêu cần được chuẩn bị trước ít nhất 15 ngày đến 1 tháng trước khi xuống giống

Kỹ thuật trồng tiêu con

  • Thời điểm thích hợp nhất để trồng tiêu là vào đầu mùa mưa, hoặc trước khi mùa mưa kết thúc 1 tháng.
  • Khi trồng bà con dùng cuốc đào 1 lỗ chính giữa hố trồng. Sâu và rộng hơn kích thước bầu ươm tiêu một chút
  • Nhẹ nhàng xé bịch, tránh làm bể bầu ươm
  • Đặt cây con vào chính giữa hố, hơi nghiêng hướng vào phía trụ. Mặt bầu cao hơn mặt đất xung quanh khoảng 5-10cm.
  • Lấp đất đồng thời nén nhẹ xung quanh, bảo đảm không bị rỗng quanh rễ, cây sẽ còi cọi do không hút được chất dinh dưỡng từ đất. Khi lấp xong cần vun nhẹ cho phần gốc cao hơn xung quanh, tránh đọng nước.
  • Có thể đánh bồn nhẹ xung quanh để tiện tưới tiêu và bón phân
  • Trồng xong cần tưới nước ngay. Nếu gặp thời tiết nắng hoặc trồng trên trụ chết, không có cây che bóng, cần tiến hành che nắng cho tiêu con

6 – Chăm sóc tiêu định kỳ

Tưới nước cho tiêu

Tiêu không chịu được ngập úng nhưng cũng không chịu được nắng hạn kéo dài, trong mùa khô cần thường xuyên tưới nước cho tiêu, khi tưới không nên tưới đẫm, chỉ tưới vừa đủ. Thường ở Tây Nguyên mùa khô cứ 10-15 ngày ta phải tưới nước 1 lần. Khi tưới nên hạn chế dùng ống phun nước thẳng vào gốc, tốt nhất nên tưới bằng béc hoặc tưới nhỏ giọt, Bộ rễ sẽ ít bị tổn thương nhất. Có thể kết hợp tủ gốc giữ ẩm bằng rơm, trấu, cỏ khô…

Cắt tỉa cành tạo tán cho tiêu

  • Tiêu mới trồng: Sau khi trồng khoảng 1 tháng tiêu bắt đầu mọc dây lươn hoặc cành ác. Cần thường xuyên kiểm tra và buộc tiêu lên trụ. Không để tiêu bò dưới đất. Dây buộc tiêu nên sử dụng dây nilon mềm. Trồng trụ sống cần kiểm tra tránh để thân trụ sống phình to gây chèn ép dây tiêu
  • + Nếu trồng bằng dây lươn, sau khoảng 1 năm tiêu bám trụ sẽ ra cành. Ta tiến hành kéo tiêu xuống thực hiện kỹ thuật đôn tiêu.
  • + Đối với tiêu ác, sau 1 năm ta tiến hành hãm ngọn cách mặt đất 30-40cm. Mục đích của đôn tiêu và hãm ngọn là giúp tiêu tăng số lượng dây trên trụ. Trụ tiêu sẽ cân đối, xum xuê và cho nhiều quả hơn
  • Tiêu kinh doanh: Hàng năm sau khi thu hoạch cần cắt bỏ các dây tiêu còi cọc, cành tiêu đã cho quả được 2-3 vụ. Tỉa bớt các dây tiêu thòng, dây mọc chen kém hiệu quả. Phần tỉa bỏ có thể dùng làm vật liệu ươm giống.

Bón phân cho tiêu

  • Phân hữu cơ: Mỗi năm bón 1 lần, mỗi lần 20-30kg/trụ + 0,5kg phân lân. Nên sử dụng phân đã hoai mục. Có chứa nấm đối kháng Trichoderma, khi bón tiến hành đánh rãnh đối xứng quanh trụ tiêu (Chia thành hình vuông, mỗi năm bón ở 2 cạnh đối xứng). Sâu khoảng 25-30cm. Cách tán tiêu 20-30cm. Bón xong lấp rãnh lại, năm sau đào rãnh ở vị trí khác
  • Phân vô cơ: Nên dùng phân NPK tổng hợp, loại chuyên dùng cho tiêu bổ sung thêm trung vi lượng. Tiêu kiến thiết bón mỗi lần 100-200g/trụ, bón ít nhất 6 lần/năm. Tiêu kinh doanh bón mỗi lần 0,5kg-1kg bón 4 lần trong năm (3 lần mùa mưa, 1 lần mùa khô). Khi bón cần lấp phân hoặc hòa tan với nước để tránh bị thất thoát. Giai đoạn cây nuôi quả cần dùng phân có tỷ lệ Kali cao hơn để tăng chất lượng quả, giảm quả lép, quả rụng
  • Phân vi lượng: Phun qua lá hoặc tưới vào gốc tùy theo loại sản phẩm. Mỗi năm bón vi lượng 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Giai đoạn nuôi quả cần đặc biệt bổ sung Bo để tăng chất lượng quả – hạn chế rụng quả.

7 – Phòng trừ sâu bệnh cho tiêu

Do lượng sâu bệnh trên tiêu rất nhiều, mỗi loại lại có đặc điểm và cách phòng trừ riêng. Trong bài viết này không tiện trình bày hết. Bà con có thể tham khảo thêm tại liên kết sau

  • Sâu bệnh phổ biến trên tiêu và cách phòng trừ

8 – Một số lưu ý khác khi trồng tiêu

  • Làm cỏ tiêu thường xuyên để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng, khi làm cỏ ở gốc chỉ nên dùng tay nhổ cỏ, tránh dùng cuốc để cào, sẽ gây tổn thương rễ.
  • Dây buộc tiêu không nên dùng các loại dây thừng, dây bện từ vỏ cây
  • Giữa các hàng tiêu có thể trồng xen cỏ lạc dại, vừa giúp tăng lượng đạm trong đất vừa có tác dụng giữ ẩm mùa khô, hạn chế cỏ dại khác lây lan.
  • Lưu ý: Không nên trồng tiêu xen với các loại bầu bí. Vì đây là vật chủ chung cho một số loại sâu bệnh hại tiêu
  • Các cành tiêu mọc cao mà chưa ra cành, mạnh dạn cắt ngang.
  • Trồng tiêu trên trụ sống cần rong tỉa cành thường xuyên, ít nhất 2 lần 1 năm (đầu và cuối mùa mưa)

Như vậy bà con vừa tham khảo quy trình trồng tiêu, ngoài ra để tìm hiểu thêm về tiêu và các kỹ thuật chăm sóc, kinh nghiệm trồng tiêu. Có thể đọc thêm các bài viết khác tại chuyên mục:

Kỹ thuật trồng tiêu

Xin cảm ơn bà con đã theo dõi. Nếu có nhu cầu mua tiêu giống. Xin liên hệ địa chỉ sau. Vườn ươm chúng tôi hiện cung cấp các giống tiêu sau: Giống tiêu Vĩnh Linh, Giống tiêu trâu, Giống tiêu Sri Lanka, Giống tiêu Phú Quốc

Vườn ươm CâyGiốngVN.Com (Tiến Đạt)
280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột
Vui lòng liên hệ 0967 333 855 (Viettel) – 0944 333 855 (Vina) – Gặp Thu (Gọi trước khi đến)
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Hân hạnh được phục vụ quý khách

80%
Hữu ích

Đánh giá bài viết "Kỹ thuật trồng tiêu"

  • Đánh giá nội dung
  • Đánh giá hình ảnh
  • Cách trình bày nội dung
Bình luận
Loading...