Hướng dẫn kỹ thuật trồng bơ, chăm sóc cây bơ cho năng suất cao
Nội dung
Bài viết chia sẻ kinh nghiệm trồng bơ, các kỹ thuật trồng bơ trái vụ, bơ chính vụ, chăm sóc cây bơ cho năng suất cao, ổn định, hiệu quả kinh tế nhất. Bài viết được tổng hợp từ các tài liệu lưu hành rộng rãi trên internet và kinh nghiệm thực tế khi canh tác cây bơ. Nếu có thiếu sót, xin được mọi người bổ sung thêm
I. Yêu cầu đất và khí hậu để trồng bơ
Bơ là loại cây nhiệt đới thích nghi rộng, có thể trồng ở vùng nhiệt đới gió mùa, độ cao từ 500 – 1000m so với mực nước biển. Cá biệt có một số giống bơ như giống bơ Hass lại thích nghi với khí hậu lạnh và độ cao trên 1000m. Còn hầu hết các giống bơ đều thích hợp với khí hậu Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên
Yêu cầu chung của đất trồng bơ
- Đất thịt giàu mùn, tầng canh tác tối thiểu 1m.
- Đất thoát nước tốt, nếu có độ dốc 5% – 7% càng tốt
- pH đất từ 5.0 – 6.5, không nhiễm phèn, không bị acid hóa
- Hạn chế trồng bơ ở các vùng đất pha cát, đất nhiều sỏi đá, cây có thể sống nhưng sức sinh trưởng kém
Về khí hậu thời tiết
Nhìn chung cây bơ thích hợp với khí hậu nhiệt đới, và cận nhiệt đới. Các vùng có khí hậu quá lạnh không thích hợp để trồng bơ. Lượng mưa trung bình trong năm từ 1.500 – 2.000mm, phân bổ rõ rệt thành 2 mùa nắng mưa, mùa nắng cây có thời gian xiết nước tự nhiên, để bung hoa và thụ phấn. Các giống bơ trong nước chủ yếu chỉ thích nghi với khí hậu cục bộ (hoặc có nét tương đồng) của từng địa phương. Một số giống bơ ngoại nhập có khả năng thích nghi rộng hơn. Chẳng hạn
- Giống bơ Booth 7, Reed, Pinkerton, Sharwil: Thích nghi rộng, có thể trồng hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam
- Giống bơ Hass, Lamb Hass: Phù hợp với khí hậu lạnh, khả năng thích nghi tuy kém, nhưng giá trị kinh tế, giá trị xuất khẩu cao
II. Cách lựa chọn giống bơ
Như đã nói ở trên, tùy theo khí hậu, thổ nhưỡng của từng tỉnh thành mà lựa chọn giống bơ thích hợp, các giống bơ ngoại thường thích nghi rộng hơn, khả năng sinh trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra cần phải lựa chọn giống bơ theo chất lượng, thời vụ, thị trường tiêu thụ. Có thể tham khảo thông tin các giống bơ tại bài viết sau
Theo kinh nghiệm từ những hộ nông dân, doanh nghiệp trồng bơ những giống bơ sau có tiềm năng kinh tế nhất
- Giống bơ Booth (Booth 5, Booth 7, Booth 8)
- Giống bơ Reed
- Giống bơ Hass và Lamb Hass
- Giống bơ 034
- Giống bơ tứ quý
Bên cạnh đó, cần lưu ý đến phương pháp nhân giống cây bơ. Để bảo toàn đặc tính nổi trội của giống. Cây cần được nhân giống bằng phương pháp ghép chồi, hoặc nuôi cấy mô (ít phổ biến) đây là các phương pháp nhân giống vô tính. Khác với cách nhân giống hữu tính từ hạt, giống sẽ bị thoái hóa nhiều
III. Chọn thời điểm mùa vụ trồng bơ
Bơ có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất nên trồng vào vụ thu (tháng 9-10 DL) hoặc vụ xuân (tháng 2-3 DL). Trồng bơ khoảng thời gian này sẽ rơi vào mùa khô, do đó nhất thiết phải bổ sung nước tưới đầy đủ, bù lại cây trồng trong mùa khô sẽ ít bị sâu bọ, nấm bệnh hơn. Từ đó tỷ lệ sống cũng cao hơn.
Với tình hình hạn hán những năm gần đây, công tác tưới tiêu có nhiều khó khăn, do đó bà con nên cân nhắc và chủ động trong việc lựa chọn thời điểm xuống giống. Nếu không thể trồng vào những thời vụ vừa nêu, có thể trồng khi có những cơn mưa đầu mùa xuất hiện.
IV. Mật độ trồng bơ
- Nếu trồng thuần: Trồng với khoảng cách tối thiều 6 x 6m, hoặc trồng so le kiểu nanh cọp 5 x 7m
- Nếu trồng xen canh cà phê: Khoảng cách trồng là 9 x 9m
V. Kỹ thuật trồng bơ
Tiến hành đào hố 60 x 60 x 60cm (dài, rộng, sâu) trước khi trồng 1 tháng, mỗi hố trộn 30-40kg phân chuồng hoai mục (hoặc 25kg phân hữu cơ vi sinh công nghiệp) + 300g phân lân + 100g kali + nấm đối kháng (trichoderma) + thuốc chống mối (Furadan, Basudin…) theo liều lượng khuyến cáo. Có thể dựa vào chỉ số pH để bổ sung thêm vôi điều chỉnh pH phù hợp.
Xem bài chi tiết: Cách đo độ pH của đất trồng
Trộn đều với đất, lấp hố và tưới đẫm nước, 1 tháng sau tiến hành trồng. Khi trồng cần xé nhẹ bì nilon, tránh làm bể bầu, động rễ. Cách tiến hành như sau
- Dùng dao hoặc kéo cắt 1 vòng tròn quanh bầu, vị trí cắt cách đáy bầu 2-3cm, nhẹ tay gỡ bỏ lớp nilon dưới đáy bầu ươm
- Dùng cuốc đào một lỗ chính giữa hố, lớn hơn đường kính bầu 1 chút
- Đặt cây bơ giống vào lỗ, lấp đất 1/3 bầu tính từ đáy bầu, nén nhẹ đất xung quanh
- Dùng dao hoặc kéo cắt lớp nilon dọc theo bầu từ trên xuống, đồng thời xé và gỡ lớp nilon từ từ
- Sau cùng lấp đất và dùng chân nén nhẹ đất xung quanh gốc
Khi trồng không nên trồng quá sâu, mặt bầu ngang bằng mặt đất xung quanh, nếu trồng vào mùa khô, cần đánh bồn rộng khoảng 1m, sâu khoảng 10cm, để tiện tưới nước.
Khi trồng xong cần tưới đẫm nước, cắm cọc cố định cây, nếu cần thiết có thể dùng lưới vườn ươm che xung quanh, vừa chắn gió vừa che nắng cho cây (Chỉ che xung quanh không che bên trên).
Cần thường xuyên kiểm tra độ ẩm, nếu thấy đất khô, sau 3-5 ngày cần tưới nước bổ sung. Giữ ẩm bằng cách phủ cỏ khô, rơm rạ, trấu… quanh gốc
Một số lưu ý
- Nếu trồng bơ ghép, cần gỡ bỏ lớp nilon quấn chồi ghép (dây ghép), tránh trường hợp lớp nilon phân hủy chậm gây bó cứng, cây dễ bị gẫy.
- Cây mua từ vườn ươm cây giống, cần được làm quen nắng khoảng 1 tuần trước khi đem ra trồng. Vì trước đó cây được ươm và chăm sóc trong lưới che từ nhỏ, nếu trồng ngay dễ bị sốc, cháy lá hoặc héo đọt non.
VI. Kỹ thuật chăm sóc cây bơ
Tưới nước cho bơ: Bơ chịu hạn tốt, rất kỵ ngập úng, nhưng ở giai đoạn cây con bộ rễ chưa ăn sâu, cần thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đất để tưới nước kịp thời. Giai đoạn cây lớn (năm thứ 2 trở đi) trong mùa khô, có thể tưới thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 25-40 ngày tùy tình hình khô hạn.
Bón phân cho bơ: Bón tùy theo độ tuổi của cây, cụ thể như sau
Năm đầu tiên: Lượng phân trong hố còn nhiều, chỉ cần bón thúc bằng phân đạm, khi bón hòa phân vào nước rồi tưới vào gốc (tỷ lệ 1%, theo kinh nghiệm thực tế nên bón loại đạm xanh, một thìa canh pha với 10-15L nước). Tưới liên tục trong năm đầu, mỗi lần cách nhau 20-30 ngày
Năm thứ 2 – 3: Là giai đoạn kiến thiết, bón mỗi cây 30kg phân chuồng + 500g lân + 500g ure + 500g kali, chia làm 4 đợt
+ Đợt 1: Cuối mùa mưa (tháng 9-10 DL) bón 100% phân chuồng + 100% lân
+ Đợt 2: Tháng 1-3 DL, Bón 40% ure + 20% kali
+ Đợt 3: Tháng 5-6 DL, Bón 20% ure + 40% kali
+ Đợt 4: Tháng 7-8 DL, Bón 40% ure + 40% kali còn lại
Năm thứ 3 trở đi: Giai đoạn kinh doanh, cây cần nhiều dưỡng chất hơn, ta vẫn bón thành 4 đợt với tỷ lệ như giai đoạn kiến thiết, nhưng tăng lượng phân mỗi gốc lên như sau 40 – 50kg phân chuồng + 1kg lân + 1kg ure + 1kg kali
Bên cạnh đó, mỗi năm bà con nên phun thêm phân bón lá cho cây (2-3 lần). Khi phun cần phun vào ngày mát trời, không mưa, phun sáng sớm hoặc chiều tối, phun ướt đều 2 mặt lá. Thành phần phân bón lá nên có các chất vi lượng Zn (Kẽm) và B (Bo)
Cách bón phân
- Phân chuồng (phân hữu cơ vi sinh): Đào rãnh sâu 30-40cm, bỏ phân và lấp lại, đào đối xứng mỗi năm 2 rãnh quanh tán cây, năm sau đào vị trí khác
- Phân vô cơ: xới nhẹ lớp đất mặt, bỏ phân và lấp đất tránh phân bị bốc hơi, bón theo tán lá của cây, chứ không bón vào gốc. Khi bón đất phải đủ ẩm, nếu cần thiết phải tưới nước để phân nhanh tan
Lưu ý: Trong giai đoạn cây trổ bông và đậu quả non (quả nhỏ hơn đầu ngón tay) nên ngưng nước và không bỏ phân.
Cắt tỉa cành, tạo tán cho bơ
Sau khi trồng 1-2 tháng, cây quen với đất và bắt đầu hồi phục, ra chồi non, bà con nên chọn 1 chồi khỏe mạnh nhất, lên thẳng để giữ lại. Việc này sẽ giúp cây dồn sức cho 1 chồi, thân lên thẳng sẽ dễ tạo tán sau này. Nếu trồng bơ ghép, phải thường xuyên vặt bỏ các chồi vượt mọc lên từ gốc ghép.
- Nếu trồng thuần: cắt bỏ các cành ngang sát mặt đất, để lại các cành cách mặt đất tầm 50 – 80cm, tạo tán phát triển đều về các hướng, hãm ngọn khi cây đạt chiều cao 3 – 4m
- Nếu trồng xen canh cà phê: Giữ thân phát triển thẳng, cưa bỏ các cành ngang sao cho cành ngang cách ngọn cà phê ít nhất 1m
Cưa bỏ các cành bị sâu đục thân, bị bệnh loét vỏ, ở vết cưa quét sunfat đồng hoặc vôi để tránh nấm bệnh xâm nhập. Thường xuyên kiểm tra và cắt bỏ các cành bị cây tầm gửi ký sinh. Giữ cho tán cây thông thoáng
VII. Phòng trừ sâu bệnh trên cây bơ
Nhìn chung ở giai đoạn cây con 1-3 năm đầu, cây bơ dễ bị các loại sâu bệnh tấn công làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, thậm chí làm chết cây, sau giai đoạn này, cây khỏe mạnh, sức sinh trưởng rất mãnh liệt, cây khó bị chết, các loại sâu bệnh không gây ảnh hưởng nhiều
Các loại sâu bọ hại cây:
- Rệp phấn trắng mình mềm
- Rệp sáp
- Rệp vảy mềm
- Các loại sâu ăn lá, gặm quả
- Sâu cuốn lá
- Bọ xít muỗi
- Sâu đục thân, cành
- Sâu đục quả, hạt
- Những loại sâu, côn trùng được đánh dấu màu đỏ, cần đặc biệt chú ý ở giai đoạn cây con
Nhìn chung, Trong giai đoạn cây còn nhỏ, cần thường xuyên kiểm tra sâu bệnh để xử lý bằng thuốc trừ sâu đặc trị. Đặc biệt vào những tháng sau tết âm lịch trở đi đến đầu mùa mưa. Đây là giai đoạn cây ra đọt non, rất dễ bị sâu bệnh, côn trùng chích hút nhựa tấn công. Việc xử lý bằng thuốc trừ sâu là đủ. Khi phun thuốc cần phun vào những ngày mát trời, phun sáng sớm hoặc chiều tối.
Các loại nấm bệnh hại cây
Bệnh nấm rễ, thối rễ:
Tác nhân gây bệnh là nấm Phytophthora cinnamomi. Cây bị bệnh có triệu chứng lá nhỏ xanh nhạt, hoặc vàng, thường héo rũ với đầu lá màu nâu, lá rụng nhiều, tán thưa, cành nhỏ đầu ngọn thường bị chết. Rễ tơ ít, dễ gẫy, thường bị thối đen
Bệnh thường xuất hiện trên các nền đất trũng, thoát nước kém, khi thấy cây có dấu hiệu bị bệnh cần ngưng tưới nước, vun gốc cao, tránh đọng nước, xử lý bằng các loại thuốc như: Aliette 800WG, AGRI-FOS 400, Ridomil Gold 68WG. Phun xịt trên lá, hòa nước đổ gốc. Sau khi cây có dấu hiệu hồi phục, tiến hành phun siêu lân để kích thích cây ra rễ tơ
Bệnh loét thân, thối thân, lở cổ rễ:
Tác nhân gây bệnh là nấm Phytophthora citricola. Bệnh thường xuất hiện ở gốc, cổ rễ, cành già, vết loét ban đầu có màu nâu sẫm, chảy mủ, sau chuyển sang nâu trắng, có phủ một lớp phấn. Cạo vết loét thấy có màu vàng, cam. Bệnh gây hại cho hệ thống mạch dẫn, làm cho ngọn kém phát triển, ít lá mới, lá vàng và rụng dần. Rễ tơ còn khá nhiều
Bệnh thường đi kèm với bệnh thối rễ, thường phát tán rộng vào mùa mưa, có thể lây sang quả, làm cho quả bị thối cuống, lớp thịt quả bên trong cũng bị hư hại, khi thấy cây có dấu hiệu bệnh, cần cắt bỏ cành bệnh, mô bệnh, tiến hành xịt các loại thuốc Aliette 800WG, AGRI-FOS 400, Ridomil Gold 68WG trên lá và vết thương.
Bệnh thán thư:
Tác nhân gây bệnh là Colletrichum gloeosporioides, bệnh có thể tấn công vào quả, lá, cành non. Vết bệnh có màu nâu, nâu đậm, gây chết chồi, khô trái, bệnh thường xuất hiện vào mùa mữa, nhất là những đợt nắng mưa xen kẽ.
Quả sau thu hoạch bị nhiễm bệnh sẽ mau hỏng, thời gian bảo quản ngắn. Tiến hành phun các thuốc có gốc đồng để phòng ngừa bệnh, cắt bỏ các cành lá nhiễm bệnh và tiêu hủy bằng cách đốt.
Một số loại thuốc có tác dụng tốt: Dung dịch Boocdo 1%, COC 85, Nustar 40 EC…
Bệnh ghẻ quả Sphaceloma perseae:
Bệnh có triệu chứng trên vỏ quả hình thành vết bệnh bầu dục, hơi gồ lên, màu nâu – nâu tím. Khi quả già, các vết bệnh liên kết, tâm vết bệnh co lại gây nứt, tạo thành mạng, toàn vỏ sần sùi. Chất lượng thịt quả không bị ảnh hưởng nhưng trông bên ngoài vỏ rất xấu, giảm giá trị thương phẩm. Trên gần mặt dưới lá, cuống lá, cành non cũng bị vết ghẻ hình bầu dục dài
Phun các thuốc có gốc đồng với nồng độ theo hướng dẫn trên nhãn. Thời điểm phun: đầu mùa nở hoa, gần cuối mùa nở hoa, 3 – 4 tuần sau khi tất cả quả đã đậu
Bệnh rụng quả trên cây bơ
Những năm gần đây, theo phản ánh của nhiều bà con, tỷ lệ đậu trái của các giống bơ ghép: Booth 7, Reed, Hass rất kém. Hoa nhiều nhưng quả đậu rất ít thậm chỉ không đậu quả nào, thực tế đây không hẳn là loại bệnh mà do đặc tính của cây, quy trình chăm sóc, thời tiết thất thường
Để tăng tỷ lệ đậu quả, bà con nên áp dụng một số kinh nghiệm sau
- Trước khi cây ra hoa khoảng 2 tuần: Phun thuốc Ra Hoa C.A.T, tưới đẫm nước, phủ gốc bảo đảm cây không bị thiếu nước.
- Giai đoạn cây đang nở hoa: Ngưng tưới nước, không bón phân
- Sau khi cây đậu quả (bằng đầu ngón tay trở lên): tiến hành phun thuốc Đậu Trái C.A.T (Phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 15-20 ngày)
- Giai đoạn quả có đường kính 3-4cm, bón phân chứa nhiều Kali, ít đạm (N), phun bổ sung thêm phân bón lá có nhiều Bo
- Trong suốt quá trình ra hoa đậu quả, không cắt tỉa cành quá mạnh, cào xới dưới gốc làm tổn thương rễ.
- Trong vườn nên trồng ít nhất 2 g