VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 304/57/1 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi bơ tỷ lệ sống cao (có video)

Kỹ thuật ghép bơ
0

Chia sẻ kinh nghiệm ghép chồi bơ, kỹ thuật ghép bơ đạt tỷ lệ sống cao. Mời bà con cùng theo dõi và góp ý thêm nếu có gì thiếu sót. Bài viết có sử dụng hình ảnh từ “Video kỹ thuật ghép chồi bơ” đăng tải trên kênh Youtube Vườn Ươm Cây Giống Tiến Đạt

Kỹ thuật ghép bơ
Kỹ thuật ghép bơ

Chuẩn bị cây giống bơ thực sinh làm gốc ghép

  • Bơ thực sinh được ươm từ hạt vào khoảng tháng 5-10 DL, sau khoảng 3 tháng cây cao 40-50cm. Thân thẳng, không sâu bệnh, đường kính thân từ 0.5cm trở lên là có thể ghép được
  • Khi ươm hạt nên lựa chọn những hạt to, tròn đều, còn tươi, cây thực sinh sẽ khỏe mạnh hơn

Chuẩn bị chồi bơ ghép

  • Tùy theo nhu cầu mà bà con có thể lựa chọn chồi bơ từ những giống phù hợp. Những giống bơ ngon có giá trị kinh tế cao hiện nay là: Giống bơ bút 7 (Booth 7), giống bơ 034, Giống bơ Hass, Giống bơ Reed…
  • Yêu cầu chung của chồi ghép: Phải là cành bánh tẻ, lấy ở đầu ngọn, có mầm to nổi rõ (hay gọi làm mầm gạo, hột gạo). Đoạn cành lấy chồi khoảng 15-20cm tính từ ngọn, khi ghép ta có thể chia làm 2 hoặc 3 chồi ghép. Mỗi đoạn chồi ghép có 3-4 mầm
Chuẩn bị chồi bơ ghép
Chuẩn bị chồi bơ ghép
  • Thời điểm lấy chồi là sau vụ thu hoạch 2 – 3 tháng. Cây chưa ra chồi non, lá non.
  • Nên lấy chồi trên những cây có tuổi từ 5 tuổi trở lên, sẽ bảo đảm về chất lượng giống hơn
  • Thời gian từ khi cắt chồi đến khi tiến hành ghép không quá 3 ngày, nếu chưa thể ghép ngay có thể dùng vải ẩm để gói bó chồi (không ngâm nước)

Chuẩn bị dụng cụ ghép bơ

  • Dao ghép: Có thể sử dụng rọc giấy, dao thái lan, hoặc dao ghép chuyên dụng. Nhưng phải bảo đảm dao có lưỡi mỏng, sắc, khi cắt tạo ra vết cắt ngọt, dứt khoát
  • Dây ghép: Có thể tìm mua tại các cửa hàng cung cấp vật tư vườn ươm, thường là loại nilon mỏng, có độ kéo giãn cao, khổ rộng 3-4cm.
  • Túi nilon trong đường kính 7cm, dây thun

Kỹ thuật ghép chồi bơ

  • Ở gốc ghép, chọn vị trí thân cây không quá già, không quá non, dùng dao ghép cắt ngang, yêu cầu cắt dứt khoát không làm dập nát thân ghép. Sau đó chẻ dọc thân cây từ vết cắt xuống khoảng 1cm.
  • Ở chồi ghép: Dùng dao ghép vát nhọn phần gốc chồi thành hình chữ V
  • Đặt chồi ghép vào vị trí đã chẻ dọc trên thân ghép theo chiều thẳng đứng, thao tác phải dứt khóat, không rút ra cắm lại nhiều lần làm tổn thương mô. Nếu chồi ghép có đường kính to hơn đường kính gốc ghép thì phải bảo đảm ít nhất 1 bên vỏ liền vỏ, bên còn lại có thể thừa ra cũng không sao
Kỹ thuật ghép bơ
Kỹ thuật ghép bơ
  • Dùng tay trái kẹp dây ghép vào vị trí mắt ghép, giữ chặt cố định chồi ghép. Tay phải quẩn dây ghép từ vị trí ghép quấn dần lên ngọn, sau đó lại quấn xuống sao cho dây ghép phủ kín chồi ghép và vị trí ghép
Cách quấn chồi ghép
Cách quấn chồi ghép
  • Sau khi quấn chặt chồi, dùng túi nilon chụp lên phần chồi mới ghép, sau đó dùng dây thun buộc phần miệng túi. Điều này giúp cho chồi ghép không bị khô, không bị thấm nước khi tưới cây.

Chăm sóc cây sau khi ghép

  • Khi ghép xong tiến hành để riêng cây đã ghép sang vị trí riêng để tiện theo dõi và chăm sóc
  • Nơi đặt cây phải thoáng mát, cao ráo, không đọng nước, có thể dùng lưới nilon (loại dùng che cây) để che nắng bên trên
  • Tiến hành tưới nước thường xuyên, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây, cây không bị héo
  • Sau 20-25 ngày, chồi ghép sẽ nảy mầm từ các mắt chồi, ta tiến hành tháo túi nilon chụp bên trên
  • Tiếp tục chăm sóc cho chồi cao lên 2-3 cm thì tiến hành chọn 1 chồi khỏe mạnh nhất để giữ lại
  • Các mầm từ gốc ghép cũng cần được loại bỏ để dồn dinh dưỡng cho mầm mọc trên chồi ghép
  • Khi chồi cao 20-25cm tiến hành gỡ lớp dây ghép, tránh để dây ghép bó cứng tạo vết hằn trên thân. Giúp cây dễ trao đổi chất, hạn chế nấm bệnh, gẫy chồi

Tham khảo video kỹ thuật ghép bơ

[clip xem=”bM_idZ3ngLs”]