VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 280 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Hướng dẫn kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ, ghép cải tạo vườn bơ

Kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ (Ghép nêm chồi đầu ngọn)
1

Trong quá trình trồng và chăm sóc cây bơ, ngoài việc sử dụng cây bơ giống được nhân giống bằng phương pháp ghép nêm chồi, thời gian gần đây một số bà con còn tiến hành phương pháp ghép cải tạo bơ. Kỹ thuật này giúp tận dụng lại gốc bơ đã lớn, nhưng chất lượng quả không đạt yêu cầu, bơ nước, bơ chính vụ giá thu mua thấp. Mà không phải chặt bỏ cây trồng mới lại từ đầu

Ưu điểm của kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ

  • Tận dụng được gốc ghép đã lớn, khỏe mạnh, không phải chặt bỏ cây để trồng mới
  • Ghép hỏng có thể ghép lại mà không ảnh hưởng đến cây
  • Có thể ghép nhiều giống bơ trên cùng một cây bơ
  • Thời gian cho trái rất nhanh (1-2 năm sau khi ghép)
  • Tăng thu nhập nhờ vào chất lượng của giống bơ chọn làm chồi ghép (vd: Bơ trái vụ, cơm sáp dẻo, giá mua cao hơn bơ thường chính vụ…)

Có bao nhiêu phương pháp ghép cải tạo bơ ?

Hiện tại có 2 phương pháp ghép cải tạo bơ, đó là ghép đầu cành và ghép thân (ghép vỏ, ghép mắt). Mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng. Tùy theo nhu cầu và tình trạng gốc ghép mà bà con có thể chọn 1 trong 2 cách

  • Ghép đầu cành: Nhanh ra quả (nếu chọn chồi bông), tỷ lệ sống cao, nhưng chỉ thích hợp với gốc ghép 1-2 năm tuổi, gốc ghép lớn hơn sẽ tốn nhiều chồi, khó quản lý các chồi vượt, chồi con từ gốc ghép
  • Ghép thân: Tốn ít chồi, dễ quản lý, sau khi ghép thành công có thể cưa ngang thân nuôi 1-2 chồi đã ghép, như vậy tỷ lệ nhầm lẫn do nuôi nhầm chồi sẽ ít hơn. Bên cạnh đó chồi sẽ phát triển khỏe mạnh dễ dàng tạo hình, tạo tán sau này. Có thể thực hiện trên những cây bơ nhiều năm tuổi. Nhược điểm là chồi phát triển như cây bình thường nên sẽ lâu ra trái tương đương như khi trồng cây ghép.

Cách chọn chồi bơ ghép

  • Nên chọn chồi bơ từ các giống bơ năng suất, giá trị kinh tế cao như: Giống bơ bút 7 (Booth 7), Giống bơ Hass, Giống bơ Reed, Giống bơ 034 …
  • Chồi ghép là chồi bánh tẻ, không quá non, không quá già
  • Lấy từ cây 5-6 năm tuổi trở lên, có 2-3 mắt ngủ (mầm gạo) trên chồi
  • Cây lấy chồi không bón phân trước đó (ít nhất 20 ngày)

Thực hiện kỹ thuật ghép cải tạo vườn bơ

Ghép cải tạo bơ đầu cành

  • Chọn những cây bơ trồng được 1-2 năm tuổi, phát triển khỏe mạnh
  • Cắt ngang ở các đầu ngọn, phần thân bánh tẻ, chưa quá già
  • Chẻ dọc thân 1-2 cm
  • Sử dụng chồi ghép vót thành chữ V, đặt vào phần thân đã chẻ dọc
  • Dùng dây ghép (dây nilon) quấn giữ cố định chồi ghép và thân ghép
  • Dùng túi nilon nhỏ chụp kín chồi ghép, tránh để nước mưa, bụi bẩn bám vào phần ghép
  • Sau 20-25 ngày chồi ra mầm mới, tháo túi nilon
  • Sau 40-45 ngày, tháo dây ghép
Kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ (Ghép nêm chồi đầu ngọn)
Kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ (Ghép nêm chồi đầu ngọn)

Ghép cải tạo bơ (ghép vỏ, ghép thân)

  • Lựa chọn những cây bơ, cành bơ có đường kính thân khoảng 2-5cm
  • Phần vỏ 1-2mm, vỏ dày quá có thể dùng dao “lạng” bớt cho mỏng đi
  • Dùng dao rạch 2 đường song song trên vỏ, khoảng cách giữa 2 đường bằng đường kính của chồi ghép
  • Rạch thêm 1 đường phía trên 2 đường song song, nhẹ nhàng tách lớp vỏ ra
  • Vót chồi ghép thành hình chữ V
  • Đặt chồi ghép vào phần vỏ đã tách, sau đó dùng dây ghép quấn cố định chồi
  • Quấn thêm 1 lớp nilon to bản, che cả chồi và thân
  • Che nắng cho chồi ghép, tránh ánh nắng trực tiếp
  • Sau khi chồi bắt đầu ra mầm, tiến hành gỡ nilon (khoảng 20-25 ngày)
  • Sau 2-3 tháng, có thể gỡ dây ghép, cưa ngang phần thân bên trên để cây nuôi chồi ghép
Kỹ thuật ghép cải tạo bơ (Ghép vỏ)
Kỹ thuật ghép cải tạo bơ (Ghép vỏ)

Như vậy về cơ bản ta đã tiến hành xong kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ, ghép cải tạo vườn bơ. Bài viết có sử dụng hình ảnh của một số video có sẵn trên Youtube của kênh: Tập Làm Nông Dân, Việt Nam Nông Nghiệp…Xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành quay video và đăng tải lên website để bà con tiện theo dõi.  Chúc bà con thành công

Bình luận
Loading...