VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 280 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Cách trồng cam sành – Kỹ thuật trồng cây cam sành năng suất cao

Bán giống cam sành
0

Cách trồng cam sành? kỹ thuật trồng cam sành cho năng suất cao và ổn định? Đây là câu hỏi mà hầu hết bà con đều băn khoăn trước khi quyết định trồng cam sành để làm kinh tế, do đó bài viết hôm nay vườn ươm Tiến Đạt sẽ chia sẻ cùng bà con một số kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây cam sành, mời bà con cùng tham khảo.

Kỹ thuật trồng cam sành
Kỹ thuật trồng cam sành

Giới thiệu sơ lược về cây cam sành

Cam sành là giống cam có vỏ hơi dày, bề mặt vỏ sần sùi, màu xanh đậm, dạng trái tròn cân đối, phần múi bên trong có màu vàng đậm, đẹp mắt, vị ngọt thanh, ít chua, trọng lượng trái từ 250 – 300g/trái. Giá bán trên thị trường giao động từ 20.000 – 35.000đ/kg.

Thời gian cây bắt đầu ra trái là sau khoảng 18 tháng (cam ghép). Thu hoạch liên tục lên đến 15 năm. Những năm gần đây, việc kết hợp trồng cam sành với kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, giúp cho giá thu mua cao hơn, từ đó nhiều bà con cải thiện được kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ cây cam sành

Cách chọn cây giống cam sành

Hiện nay giống cam sành chủ yếu được nhân giống bằng 2 phương pháp:  ghép và chiết, cam sành chiết thường mau ra quả hơn, nhưng nhanh cỗi, bộ rễ yếu. Trong khi đó cam sành ghép thường có bộ rễ khỏe mạnh, thời gian khai thác lâu hơn, kỹ thuật nhân giống đơn giản và giá thành cây giống rẻ hơn, tiết kiệm hơn.

Khi chọn cây giống cam sành, bà con nên chọn những cây khỏe mạnh có lá to, đồng đều, xanh tốt. Không có dấu hiệu của sâu bệnh. Đường kính thân từ 0,5cm, mắt ghép phát triển cân đối, không bị u sần, biến dạng. Chiều cao cây từ 50-70cm tính từ mặt đất.

Thời điểm trồng và mật độ trồng cam sành

Như các loại cây trồng khác, thời vụ thích hợp nhất để trồng cam sành thường là vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa (Tháng 4 – tháng 6 DL). Tuy nhiên nếu có điều kiện tưới nước, bà con cũng có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên công tác chăm sóc thường sẽ khó khăn hơn, nhất là vào mùa khô hạn

Mật độ trồng tùy theo địa thế đất, nếu đất tốt bằng phẳng bà con trồng với khoảng cách 4m x 4m hoặc 4m x 5m. Đất xấu hoặc đất dốc có thể trồng dày hơn, 3 x 4m trồng theo kiểu so le

Yêu cầu về khí hậu và đất trồng cam sành

Nhìn chung cây cam có thể trồng được ở nhiều vùng miền trên khắp cả nước, từ vùng trung du bắc bộ, tây nguyên đến vùng đất phù sa đông nam bộ… Miễn là đất thoát nước tốt, giàu mùn, tầng canh tác từ 0,5-1,5m. Độ pH giao động từ 5,0 – 6,5. Lượng mưa từ 1000 – 2000mm/năm.

Khu vực trồng cam sành tốt nhất nên ít gió, không bị sương muối, rét đậm, rét hại hay gió lào. Mùa khô đảm bảo được nước tưới đầy đủ.

Trường hợp trồng ở các vùng đất phù sa ngập trũng, cần phải tiến hành đắp mô, đào mương để chủ động việc tưới tiêu và hãm nước cho cây

Chuẩn bị đất trồng cam sành

Trước thời điểm trồng khoảng 1 tháng bà con cần tiến hành cày xới đất, và chuẩn bị hố trồng cam sành. Hố có kích thước 60 x 60 x 60cm. Mỗi hố bón lót 25 – 30kg phân chuồng hoai mục + 0,3 – 0,5kg phân lân + 0,1-0,2kg kali + 0,3 – 0,5kg vôi bột nết cần thiết (vôi chủ yếu để điều chỉnh lại độ pH cho phù hợp. Bà con có thể tham khảo cách đo độ pH của đất tại bài viết sau >> Hướng dẫn đo độ pH của đất)

Tiến hành trộn các thành phần kể trên với lớp đất mặt và lấp đầy hố, tưới đẫm nước. Trường hợp trồng trên mô đất thì tăng gấp đôi lượng phân kết hợp cày xới để trộn đều phân vào đất

Tiến hành trồng cam sành

  • Sau 1 tháng, khi đất đã ổn định và hệ vi sinh bắt đầu phát triển, bà con tiến hành trồng cam sành vào vị trí đã chuẩn bị. Dùng cuốc xẻng đào một lỗ chính giữa hố trồng, kích thước lớn hơn bầu ươm một chút
  • Dùng dao hoặc kéo, nhẹ nhàng xé bỏ lớp nilon bầu ươm, tránh làm vỡ bầu
  • Đặt cây giống cam sành vào chính giữa hố trồng, miệng bầu hơi cao hơn mặt đất, lấp đất đồng thời nén nhẹ xung quanh gốc, vun gốc để tránh đọng nước
  • Trồng xong cần tiến hành tưới nước ngay đồng thời cắm cọc cố định cây. Tránh gió mạnh làm động rễ cây dễ bị chết
  • Trường hợp trồng trong mùa khô, có thể dùng rơm rạ, vỏ trấu, xác bèo… để phủ gốc giữ ẩm, kết hợp với che nắng bằng cành cây, tàu lá dừa hoặc lưới nilon chuyên cho vườn ươm

Lưu ý: Không nên trồng cam sành chung với các loại cây có múi khác như bưởi da xanh, chanh không hạt, quýt đường… dễ dẫn đến hiện tượng thụ phấn chéo, giảm chất lượng quả

Chăm sóc cam sành

  • Tưới nước: Mùa khô, giai đoạn cây còn nhỏ, cây đang nuôi quả và giai đoạn quả sắp chín, cần tiến hành cung cấp đủ nước cho cây, có thể tiến hành đánh bồn đường kính 1m – 1,5m xung quanh gốc để tiện cho việc tưới nước
  • Làm cỏ: Mỗi năm tiến hành làm cỏ 1-3 lần, khi cây còn nhỏ có thể xen canh các loại cây họ đậu đỗ, vừa có tác dụng cải thiện thu nhập, tránh lãnh phí đất, vừa có tác dụng hạn chế cỏ dại. Khi xen canh nên trồng các loại cây tán thấp tránh cạnh tranh ánh sáng và không gian sinh trưởng của cây con. Khi cây đã lớn, có thể dùng các loại thuốc trừ cỏ để diệt cỏ trong vườn. Hạn chế để thuốc dính vào lá, và các phần thân còn màu xanh
  • Cắt tỉa cành tạo tán cho cam sành: Khi cây ổn định và bắt đầu đâm chồi mới, tiến hành hãm ngọn cho cây, vị trí hãm ngọn cách gốc khoảng 70cm. Giữ lại 7-10 chồi khỏe mạnh, mọc cân đối tỏa đều quanh cây. Hàng năm sau vụ thu hoạch cần cắt bỏ các cành già cỗi, cành sâu bệnh, cành bị gãy đổ… Luôn giữ cho tán cây tỏa đều quanh gốc. Ánh sánh được phân bố đều đến các cành khác nhau
  • Trồng cây chắn gió: Việc trồng cây chắn gió là cần thiết cho vườn cam sành, nên trồng thành đai rừng bao xung quanh vườn hoặc trồng xen kẽ giữa các hàng cam sành. Sao cho vị trí hàng cây chắn gió cách hàng cam sành ít nhất 5 met để tránh cạnh tranh dinh dưỡng lẫn nhau. Các loại cây chắn gió thường là keo lá tràm, keo dậu, muồng đen, gáo vàng (cây thiên ngân)…

Kỹ thuật bón phân cho cam sành

  • Cây từ 0 – 1 năm tuổi (giai đoạn cây con): Chủ yếu là bón thúc để kích thích cành lá và bộ rễ phát triển. Nên dùng phân NPK tổng hợp chứa nhiều đạm (N) và lân (P). Hoặc dùng phân đạm xanh, đạm tím. Bón bằng cách pha loãng với nước (1%) tưới trực tiếp vào gốc. Mỗi tháng tưới phân 1 lần
  • Cây từ 2-3 năm tuổi (giai đoạn kiến thiết): Tiếp tục bón thúc kết hợp với bón bổ sung kali và các loại phân trung vi lượng vì giai đoạn này cây bắt đầu cho trái bói. Ngoài ra lượng phân chuồng bón lót lúc trồng cũng bắt đầu cạn, nên cũng cần bổ sung thêm. Lượng phân cho mỗi cây/năm như sau
  • 10kg phân chuồng (phân hữu cơ vi sinh) + 100g urê + 300g supe lân + 100g kali và chia thành 4 lần bón:
    • Lần 1 (Tháng 9-11): 100% phân hữu cơ + 100% supe lân
    • Lần 2 (Tháng 1-3): 40% urê + 40% kali
    • Lần 3 (Tháng 5): 30% urê + 30% kali
    • Lần 4 (Tháng 7-8): 30% urê + 30% kali
  • Cây từ năm thứ 3 trở đi (giai đoạn kinh doanh): Bà con tiếp tục giữ tỷ lệ bón và số lần bón như trên, nhưng tăng lượng phân cả năm cho mỗi cây lên như sau: 30kg phân hữu cơ + 500g supe lân + 500g urê + 500g kali. Đến năm thứ 8 cây đã lớn tăng lượng phân lên: 30kg phân hữu cơ + 1000g – 1500g supe lân + 1000g – 1500g urê + 1000 – 1500g kali
  • Phân bón lá (trung vi lượng) cần phun xịt qua lá, hoặc đổ gốc mỗi năm 2-4 lần theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm
  • Khi bón phân nên kết hợp lấp phân và tưới nước để phân tan nhanh và tránh lãng phí. Bón theo hình chiếu của tán cây, có thể kết hợp với các biện pháp chặt hãm rễ… để rễ tơ hấp thu tốt nhất lượng phân bón cho cây

Phòng trừ sâu bệnh cho cây cam sành

Các loại cây có múi (cây cam sành, cây bưởi da xanh, cây chanh không hạt, cây quýt đường…) nhìn chung đều bị nhiễm các loại sâu bệnh giống nhau, do đó cách phòng trừ cũng tương tự. Cụ thể như sau

  • Sâu vẽ bùa: xuất hiện từ tháng 4 – tháng 10 sử dụng thuốc phun Wofatox 0,1 – 0,2% hoặc BI58 0,2% xen kẽ với sunfat nicôtin 0,2%.
  • Sâu nhớt: xuất hiện từ tháng 2 – 4 bạn nên Phun Wofatox 0,2% hoặc DDT sữa 25% trước và sau khi nở hoa.
  • Nhện đỏ có mặt vào mùa Đông và Xuân nên Phun Wofatox 0,1 – 0,2%; hoặc phun Kentan 0,1%.
  • Nhện trắng: phòng bằng cách Vệ sinh vườn mùa Đông, phun Wofatox 0,1 – 0,2%; BI 580,1%; Kentan 0,1%.
  • Sâu đục cành xuất hiện từ tháng 5 – 6 phòng trừ bằng cách diệt sâu trưởng thành: Dùng vợt bắt, dùng Wolfatox 0,1% quấn chặt thân cây và cành to. Trừ sâu non: Cắt cành héo, dùng kẽm luồn vào cành to, hoặc dùng ống tiêm bơm Wofatox hoặc BI58 0,5 – 1% vào đường hầm của sâu non.
  • Sâu đục thân (tháng 5 – 6): Bắt sâu trưởng thành, dùng móc thép giết sâu non hoặc tiêm Wofatox 1% vào các lỗ có phân mới đùn ra; Sau mùa thu hoạch quả, quét vôi gốc cây; nơi bị nặng cần quét lưu huỳnh – vôi; dùng bông tẩm 6666% hoặc DDT + dầu quả (1:1) nhét vào lỗ sâu và bịt kín miệng.
  • Sâu đục gốc (tháng 5 – 6): Bắt sâu trưởng thành vào buổi trưa; tiêm, Wofatox 1% vào các lỗ có phân mới đùn ra; Sau mùa thu hoạch quả, quét vôi với gốc cây; nơi bị nặng cần quét lưu huỳnh vôi; dùng bông tẩm 6666% hoặc DDT + dầu quả (1:1) nhét vào lỗ sâu và bịt kín miệng.
  • Ruồi vàng (tháng 5 -11): Phun Wofatox 0,1% hoặc Dipterex 50% (1:600).
  • Sâu hại hoa: Rắc bột 666 ở gốc quýt; khi đường kính nụ hoa 2 – 3mm phun DDT sữa 25% 1/300 hoặc 666 (6%); Cách 7 ngày phun 1 lần.
  • Các loại rệp: Ngắt các cành có rệp, phun Wofatox, BI58 hoặc Metinparation 0,1%.
  • Rầy xám (rầy chổng cánh): Phun Wofatox, BI58, Metinparation 0,1%
  • Bệnh greening: Trồng cây sạch bệnh; giảm số lượng côn trùng môi giới trong tự nhiên.
  • Bệnh loét do vi khuẩn: Vệ sinh vườn, cắt bỏ cành, phun Bordeaux 1%, Zineb 0,5-1%.
  • Bệnh sẹo: Phun Bordeaux 1%, Zineb 0,5% vào đầu mùa hè.
  • Bệnh muội đen: Diệt trừ các loại rệp, rầy hại cam; phun Wofatox 0,1%-0,2%, BI58 0,1%.
  • Bệnh thối nâu: Phun Bordeaux 0,1% hoặc oxychlorua đồng 0,3%.
  • Bệnh thâm quả: Phun Bordeaux 1% hoặc Zineb 0,5%.

Thu hoạch và bảo quản cam sành

  • Tiến hành thu hoạch quả khi phần vỏ chuyển sang màu vàng (khoảng 20-30% diện tích vỏ quả). Nên thu hoạch tập trung để thuận tiện cho việc phân hóa mầm hoa, giúp bảo đảm năng suất cho vụ sau
  • Khi thu hoạch nên chọn ngày mát trời, không có mưa dầm, dùng kéo cắt cả phần cuống, không để quả rơi từ trên cao xuống, hoặc chất đống quá cao làm quả bị trầy xước, bầm dập, giảm giá trị
  • Khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ cần đóng vào thùng giấy, có lót giấy báo, rơm rạ, tránh làm quả bị dập nát, vỏ quả trầy xước
  • Thời gian bảo quản tối đa là 15 ngày, sau thời gian này quả sẽ héo, ăn không ngon…

Như vậy là chúng ta vừa tham khảo kỹ thuật trồng cam sành. Hy vọng với tài liệu này, bà con sẽ có được những vụ mùa bội thu, cải thiện được kinh tế gia đình. Chúc bà con thành công!

Mua giống cây cam sành ở đâu

Trường hợp bà con cần mua cây giống cam sành, có thể liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau. Cam kết giống chuẩn, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, sẵn sàng bảo hành giống cho bà con yên tâm

TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG TIẾN ĐẠT
Địa chỉ cửa hàng: 280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Địa chỉ vườn ươm: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362
Điện thoại tư vấn: 0967 333 855 (Viettel) – 0944 333 855 (Vina) – Gặp Thu

Xem địa chỉ trên bản đồ Google Maps

Các tỉnh thành có thể mua cây giống từ xa, nhận cây qua xe khách, xe tải hoặc xe trung chuyển: An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, TP HCM, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái.

85%
Giá trị

So sánh cam sành với các loại cây có múi khác

  • Bưởi da xanh
  • Quýt đường
  • Các giống chanh
  • Các giống cam khác
Bình luận
Loading...