Cách đào hố trồng tiêu – Chăm sóc tiêu con mùa mưa và mùa khô
Nội dung
Chia sẻ kinh nghiệm đào hố trồng tiêu con, thời điểm trồng tiêu và kỹ thuật chăm sóc tiêu trong mùa mưa, mùa khô (mùa nắng), mời quý bà con cùng tham khảo và đánh giá

Chọn thời điểm trồng tiêu
Tiêu nên trồng vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 5-6 Dương Lịch. Trong quá trình trồng tiêu cần trồng dặm thay thế tiêu bị chết, việc thay thế nên kết thúc trước khi hết mùa mua ít nhất 1,5 tháng. Trường hợp vườn tiêu đã lớn, trồng tiêu xen cà phê, hoặc đã thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt thì có thể trồng quanh năm, nhưng nhớ cung cấp đủ nước và phải che nắng trong thời gian đầu
Chuẩn bị trụ trồng tiêu
- Trụ gạch, trụ bê tông, cọc gỗ (trụ chết) – Cần tiến hành dựng trụ trước 1,5 tháng, xịt thuốc chống mối đối với trụ gỗ, tận dụng những cơn mưa đầu mùa rửa sạch vôi vữa, đất cát bám trên trụ.
- Trụ cây sống – Trồng cây làm trụ trước 1-2 năm, khi cây có đường kính 5cm trở lên là có thể trồng tiêu
- Trụ tạm – Trồng cây trụ sống trước 2-3 tháng, sau đó trồng trụ tạm trước 1 tháng, rồi tiến hành thả tiêu. Trụ tạm cách trụ chính 10-20cm. Trụ tạm không cần quá cao, phần nổi chỉ cần từ 1,8 – 2m đủ yêu cầu cho tiêu đeo bám trong vòng 1-2 năm trước khi cắt hãm ngọn (đối với tiêu ác) hoặc đôn tiêu (đối với tiêu lươn)
Kỹ thuật đào hố trồng tiêu
Quy cách – kích thước hố trồng tiêu
- Trụ bê tông, trụ cọc gỗ hoặc trụ sống: Đào 2 hố đối xứng 40cm x 40cm đối xứng quanh trụ hoặc 1 hố lớn 60cm x 60cm ở một bên trụ
- Trụ gạch: Tùy theo đường kính trụ mà thiết kế hố cho phù hợp, với trụ có đường kính đáy khoảng 1m thì ta đào 6 hố rải đều quanh trụ, kích thước 40x40cm
- Trụ tạm: Tiến hành đào 1 hố lớn hoặc 2 hố đối xứng như khi trồng trụ sống
- Mép hố phải cách trụ ít nhất 20cm. Nếu đào quá gần có thể làm trụ mất độ vững, nghiêng đổ
Số lượng bầu tiêu trên mỗi hố trồng
- Hố đơn 40 x 40 x 40cm: Mỗi hố trồng 1 bầu tiêu (2-3 dây) hoặc 2 hom tiêu (*)
- Hố đôi 60 x 60 x 60cm: Mỗi hố trồng 2 bầu tiêu (mỗi bầu 2-3 dây) hoặc 4 hom tiêu
- * Hom tiêu được ươm trực tiếp trong cát hoặc đất ẩm, khoảng 20-25 ngày tiêu mọc rễ thì nhổ lên đem ra trồng luôn, khác với loại tiêu ươm trong bầu 4-6 tháng. Trồng bằng hom ít tốn công nhưng bù lại tỷ lệ sống sẽ không cao. Bà con có thể tham khảo thêm: Các kỹ thuật nhân giống tiêu để biết thêm chi tiết
Bón lót xử lý hố trồng tiêu
- Hố trồng tiêu cần chuẩn bị trước khi trồng khoảng 1 tháng
- Trộn mỗi hố 15 – 20kg phân chuồng hoai mục + 0,3 – 0,5 kg phân lân + 0,1kg NPK hoặc phân đạm xanh
- Ngoài ra nên trộn thêm thuốc Basudin hoặc Furadan để chống mối và các côn trùng ăn rễ (Marshal 5G, 20 – 30g/hố hoặc Basudin 10H 20 – 30g/hố)
- Việc bón vôi nên thực hiện khi độ cần điều chỉnh độ pH đất. Nếu có sử dụng thêm nấm đối kháng Trichoderma thì tuyệt đối không được sử dụng vôi
- Các thành phần nói trên ta trộn với lớp đất mặt, vun hơi cao hơn xung quanh sau đó tưới đẫm nước, phần đất dư có thể tiến hành đắp bồn nhẹ xung quanh trụ, tiện cho việc tưới nước và bón phân
Kỹ thuật trồng tiêu con
- Đối với tiêu ươm bầu: Dùng dao rạch lớp nilon bên ngoài, nhẹ nhàng xé bỏ tránh làm vỡ bầu
- Đối với tiêu ươm hom: Nhổ tiêu khỏi luống, rửa để nguyên đất cát dính trên rễ đem trồng ngay
- Khi trồng cần hướng hom tiêu nghiêng về phía trụ, không trồng quá sâu, nén nhẹ đất xung quanh đồng thời dùng đất vun gốc cho cao hơn xung quanh, tránh đọng nước
- Sau khi tưới nước ngay, nếu trời không mưa 3-5 ngày sau phải tưới lại
Chăm sóc tiêu con mới trồng (mùa mưa – mùa khô)
Tưới nước: Trồng đầu mùa mưa thường tận dụng những cơn mưa trong mùa nên ít phải tưới nước, trường hợp mưa dầm nước đọng lâu ngày phải tiến hành khơi thông thoát nước, tránh đọng nước trong hố trồng, gốc tiêu. Mùa khô khi tiêu còn nhỏ, có thể thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt, nếu không có điều kiện thì tưới bằng béc tưới hoặc tưới bằng ống nhưng lượng nước tưới vừa phải. Kết hợp tủ gốc bằng rơm rạ, trấu, xác bèo…
Làm cỏ: Giai đoạn tiêu còn nhỏ cỏ dại thường xuyên mọc lẫn vào gốc tiêu, khi làm cỏ nên nhổ bằng tay, tránh dùng cuốc vì sẽ gây tổn thương rễ, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển
Che nắng cho tiêu con: Nếu trồng thuần bằng trụ chết trên diện tích lớn, cần tiến hành căng lưới che cho tiêu con mới trồng, sử dụng loại lưới mùng tối màu (xem ảnh tham khảo), che bên ở bên trên. Bên dưới dùng tàu lá dừa, cành cây che ít nhất 15 ngày để tiêu kịp bắt rễ và hồi phục. Trường hợp trồng tiêu xen cà phê, hoặc trồng trên trụ cây sống thì việc che nắng chỉ cần che sát gốc, không cần che bên trên.

Bón phân cho tiêu con: Giai đoạn này chủ yếu là bón thúc, sử dụng phân NPK lượng đạm lân cao (N,P cao) pha loãng tưới gốc, 1-2 tháng 1 lần. Bên cạnh đó thường xuyên quan sát biểu hiện thiếu dinh dưỡng thể hiện qua lá, để bổ sung kịp thời phân trung vi lượng kịp thời. Mùa khô khi bón phân nên giữ cho đất đủ ẩm. Vừa hạn chế thất thoát do bay hơi vừa giảm độ đậm đặc của phân tác động lên rễ. Tham khảo: Kỹ thuật bón phân cho tiêu
Buộc dây tiêu: Trồng bằng tiêu lươn dây bám trụ rất nhanh, dây leo đến đâu ta buộc đến đó, khi tiêu cao khoảng 1m-1,5m sẽ mọc cành tay, nếu để tiêu thòng hoặc bò dưới đất, tiêu sẽ không ra cành được. Trường hợp trồng bằng tiêu ác cũng tương tự như vậy, cành mọc tới đâu buộc tới đó. Sau khoảng 1 năm tiến hành đôn tiêu hoặc hãm ngọn. Đặc biệt các giống tiêu sinh trưởng mạnh như giống vĩnh linh, giống sri lanka mức độ phủ trụ rất nhanh.
Như vậy trên đây là một số lưu ý khi tiến hành trồng tiêu và kỹ thuật chăm sóc tiêu con. Hy vọng thông tin này hữu ích cho bà con, bài viết có thể còn thiếu xót mong được nhận thêm sự góp ý từ bà con. Xin cảm ơn