VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 280 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Tìm hiểu bệnh tiêu điên (tiêu xoăn lá) và các biện pháp phòng trừ

Tìm hiểu về bệnh tiêu điên (tiêu xoăn lá)
0

Bệnh tiêu điên (hay còn gọi là bệnh tiêu xoắn lá, bệnh tiêu khảm lá, tiêu lùn, tiêu xoắn đọt, tiêu cằn…) đây là một loại bệnh thường gặp trên cây tiêu giai đoạn kiến thiết, gây nên ảnh hưởng nặng nề cho nhà vườn. Nguyên nhân của bệnh có rất nhiều, cách phòng trừ và chữa trị thường phải xác định được nguyên nhân thì mới có hiệu quả. Trong bài viết hôm nay, bà con hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về loại bệnh này trên cây tiêu.

Tìm hiểu về bệnh tiêu điên (tiêu xoăn lá)
Tìm hiểu về bệnh tiêu điên (tiêu xoăn lá)

A – Dấu hiệu nhận biết bệnh tiêu điên

Bệnh có thể xuất hiện trên tiêu ở mọi giai đoạn sinh trưởng, tuy nhiên thường gặp nhất là ở các vườn tiêu kiến thiết (1-2 năm tuổi). Khi mắc bệnh tiêu thường có các triệu chứng như sau

  • Đốt thân ngắn lại bất thường
  • Lá xoăn, bề mặt nhăn nheo, mép lá gợn sóng rõ rệt, kích thước lá nhỏ hơn bình thường
  • Lá bị rối loạn sắc tố, thường nhợt nhạt, đôi khi bạc trắng hoặc chỗ đậm chỗ nhạt, khi dùng tay vò lá thì thấy rất giòn
  • Dây thường không vươn dài, dẫn đến thân lùn, đọt non không phát triển (do virus) hoặc phát triển chậm kèm theo biến dạng (do côn trùng chích hút hoặc mất cân bằng dinh dưỡng)

B – Một số nguyên nhân của bệnh tiêu điên

  • Do côn trùng, các loại sâu bọ chích hút nhựa cây làm cho lá và đọt non bị biến dạng
  • Do chế độ dinh dưỡng không cân đối
  • Do bị rối loạn sinh trưởng (cây bị stress)
  • Do bộ rễ kém phát triển, không hấp thu được chất dinh dưỡng
  • Do độ pH của đất không phù hợp
  • Do tiêu bị nhiễm virus, vi khuẩn

C – Các biện pháp phòng trừ bệnh tiêu điên

Từ các nguyên nhân kể trên, ta có suy ra các biện pháp phòng trừ tiêu điên như sau

  • Không sử dụng hom giống tiêu từ các vườn tiêu bị nhiễm bệnh
  • Không cắt hom tiêu, tỉa cành, đôn tiêu, hãm ngọn (tiêu ác) vào các ngày nắng gắt, mưa dầm hoặc sau một thời gian khô hạn kéo dài
  • Khử trùng các nông cụ trước khi cắt tiêu và trong quá trình chăm sóc tiêu. Không dùng chung các nông cụ giữa cây bị bệnh và cây khỏe mạnh
  • Không trồng tiêu quá sâu, làm cho rễ không phát triển được, mùa khô cần giữ đủ độ ẩm, mùa mưa cần tiến hành khơi rãnh, tránh đọng nước nơi gốc tiêu
  • Vườn tược cần tiến hành dọn thông thoáng, hạn chế nơi ẩn nấp, trú ngụ của các loại sâu bọ côn trùng chích hút nhựa cây
  • Hàng năm tiến hành phun định kỳ các loại thuốc trừ: bọ xít muỗi, rệp sáp, nhện đỏ, rầy mềm, rầy nâu… đặc biệt là mùa mưa
  • Thường xuyên tiến hành đo độ pH của đất và điều chỉnh cho phù hợp với cây tiêu (pH 5,5 – 6,5)
  • Sử dụng phân bón cân đối, ưu tiên các loại phân sinh học, phân hữu cơ
  • Thường xuyên bổ sung vào đất (có thể trộn chung với phân chuồng khi bón) các chế phẩm chứa nấm đối kháng Trichoderma, vi khuẩn có ích Pseudomonas

D – Xác định nguyên nhân gây ra bệnh tiêu điên

Trước khi đi vào các biện pháp xử lý, chữa trị tiêu điên, chúng ta cần xác định nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh tiêu điên, từ đó mới có phương pháp xử lý phù hợp. Việc xác định cụ thể như sau

  • Quan sát dưới mặt lá, xung quanh đọt non, nếu thấy có côn trùng gây hại làm tổ, hoặc lột xác -> Nguyên nhân do côn trùng
  • Xem xét chế độ dinh dưỡng, nếu chỉ bón thuần phân đa lượng N,P,K mà không bổ sung thêm các chất trung vi lượng như lưu huỳnh (S), canxi (Ca), magiê (Mg), sắt (Fe), kẽm (Zn), mangan (Mn), Bo (B), đồng (Cu), molypđen (Mo) -> Nguyên nhân do thiếu cân bằng dinh dưỡng
Tiêu thiếu các chất trung - vi lượng
Tiêu thiếu các chất trung – vi lượng
  • Cắt tỉa cành, hãm ngọn, thực hiện đôn tiêu vào những ngày nắng gắt, mưa dầm hoặc sau một giai đoạn khô hạn kéo dài, cây ra đọt non liền xuất hiện dấu hiệu tiêu điên -> nguyên nhân do cây bị rối loạn sinh trưởng (cây bị stress)
  • Tiêu trồng quá sâu, nhổ thử một số cây thấy rễ lưa thưa, nhỏ và yếu, trên rễ thấy có ổ rệp sáp hoặc các nốt sần do tuyến trùng -> Nguyên nhân do rễ kém phát triển, tuyến trùng và rệp sáp hại rễ làm cản trở quá trình truyền chất dinh dưỡng lên nuôi cây
  • Đo thử độ pH của đất nếu cao hơn 6,5 hoặc thấp hơn 5,5, càng đào xuống sâu càng thay đổi rõ rệt -> Nguyên nhân do độ pH không phù hợp
  • Nếu loại trừ tất cả các nguyên nhân kể trên thì có thể xác định được tiêu điên do bị nhiễm vi-rus, thường thì chữa trị sẽ không hiệu quả, bà con nên nhổ bỏ cây đem tiêu hủy, xử lý lại hố trồng, sau đó thay mới cây khác (thời gian xử lý hố từ 6 tháng – 1 năm)

E – Cách chữa bệnh tiêu điên

Sau khi xác định được chính xác nguyên nhân của bệnh tiêu điên, bà con có thể dùng các biện pháp sau để xứ lý cây, tương ứng với các nguyên nhân gây ra bệnh

  • Tiêu điên do côn trùng chích hút đọt non: Tiến hành phun các loại thuốc trừ sâu độc mạnh, thấm sâu, có tính lưu dẫn để diệt côn trùng, sâu bọ gây hại, nên phun 1-3 lần cách nhau 7-15 ngày. Phun ướt đều 2 mặt lá, phun vào gốc và vỏ cây để diệt trứng, ấu trùng non và phòng trừ trưởng thành đẻ trứng… Khi phun thuốc có thể hòa chung với các loại phân bón lá để kích thích cây nhanh phục hồi
  • Tiêu điên do thiếu dinh dưỡng + rối loạn sinh trưởng: Sử dụng các loại phân nước bổ sung trung vi lượng, kết hợp với chế phẩm sinh học có tác dụng điều hòa sinh trưởng chuyên dùng cho tiêu như BioSol, BioGel… cây sẽ dần hồi phục
  • Tiêu điên do rễ kém phát triển: Sử dụng các loại thuốc trừ sâu có hoạt chất Abamectin hoặc Carbosulfan đổ vào gốc để tiêu diệt tuyến trùng và rệp sáp hại rễ, nếu nghi ngờ rễ đã nhiễm nấm, có thể bổ sung thêm các thuốc trị nấm (chứa hoạt chất Mancozeb, Metalaxyl…), xử lý nấm và xử lý thuốc trừ sâu nên cách nhau từ 7-10 ngày. Sau một thời gian cảm thấy cây hồi phục thì bổ sung nấm đối kháng Tricoderma, giúp cây ổn định đồng thời tăng độ tơi xốp cho đất. Các biện pháp này cũng có hiệu quả đối với bệnh tiêu chết nhanh, tiêu chết chậm.
  • Tiêu điên do đất chua, đất có pH không phù hợp: Dùng các biện pháp bón vôi hoặc lân để điều chỉnh pH của đất về mức phù hợp (pH của đất trồng tiêu là 5,5 – 6,5). Tham khảo thêm bài viết >>> Cách điều chỉnh pH của đất
  • Tiêu điên do virus: Thường thì chữa trị không hiệu quả, bà con nên nhổ bỏ cây mang đi tiêu hủy (đốt). Sau đó đào đất trong hố phơi đất từ 6-12 tháng trước khi trồng mới cây khác.
Biosol - Biogel chế phẩm hữu cơ hỗ trợ xử lý bệnh tiêu điên
Biosol – Biogel chế phẩm hữu cơ hỗ trợ xử lý bệnh tiêu điên

F – Kết luận

Nhìn chung, để việc chữa trị tiêu điên có hiệu quả cao, bà con cần xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh. Đồng thời chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh, áp dụng các biện pháp canh tác cân đối, chăm sóc khoa học. Bên cạnh đó khâu chọn giống, nhân giống tiêu cũng nên được chú trọng.

Nếu có nhu cầu mua tiêu giống các loại (tiêu vĩnh linh, tiêu trâu, tiêu sri lanka…) bà con có thể đến với trung tâm cây giống của chúng tôi. Cam kết cây khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, đã xử lý nấm bệnh đầy đủ trước khi bán ra thị trường. Mọi chi tiết xin liên hệ theo thông tin sau

TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG TIẾN ĐẠT
Địa chỉ: 280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk (Cách Viện Eakmat 500m)
Vườn ươm cây: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362
Điện thoại tư vấn: 0967 333 855 (Viettel) – 0944 333 855 (Vina) – Gặp Thu

78%
Mức độ gây hại

Mức độ gây hại của các loại bệnh trên cây tiêu

  • Bệnh chết nhanh
  • Bệnh chết chậm
  • Bệnh thán thư
  • Bệnh tiêu điên (xoăn lá)
Bình luận
Loading...